Trong bài viết với nhan đề ''Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược,'' Thiếu tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, đã nhấn mạnh đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam được thể hiện trên ba lĩnh vực chỉ đạo, chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch |
Sau đây là toàn văn bài viết của phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Quang Đạo:
"Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi, đánh dấu thắng lợi to lớn của tinh thần đoàn kết, sức mạnh quật khởi của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trên bình diện nghệ thuật quân sự, chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Điều đó được thể hiện trên cả ba lĩnh vực gồm chỉ đạo, điều hành chiến tranh (chiến lược quân sự), nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Thông qua những luận điểm dưới đây, chúng tôi muốn làm rõ sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp
Có thể nói, thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu hiện sinh động cho sự thành công của đường lối chiến tranh nhân dân do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo.
Ngay từ lúc khởi sự cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tư tưởng chỉ đạo "kháng chiến, kiến quốc," Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hoạch định và từng bước định hình đường lối chiến tranh, mà biểu hiện đặc trưng của nó là "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh." Như thế, cuộc kháng chiến của ta có lực lượng của toàn dân tham gia, theo phương thức toàn diện (quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa), giành thắng lợi từng bước và dựa vào sức mạnh từ chính nhân dân ta.
Tư tưởng và đường lối chiến tranh nhân dân đã xác định ngay từ đầu cho toàn dân về mục tiêu, yêu cầu của cuộc chiến đấu chính nghĩa chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, do đó, nó trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân, tập hợp, tổ chức mọi lực lượng nhân dân trong cuộc “kháng chiến, kiến quốc.”
Tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam đã được nhân dân tiến bộ thế giới và chính phủ nhiều nước, nhất là chính phủ và nhân dân Trung Quốc, đồng tình, ủng hộ và dành sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.
Đường lối chiến tranh nhân thể hiện rõ tính toàn diện của phương thức kháng chiến quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, trong đó, phương thức đấu tranh quân sự có nhiệm vụ làm thất bại âm mưu, ý đồ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Bộ đội đưa pháo vào trận địa. |
Việc xác định ngay từ đầu phương châm kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính đã tạo ra thời gian đủ mức cần thiết để làm chuyển hóa so sánh lực lượng, xây dựng, tổ chức, củng cố lực lượng; là nền tảng cho cuộc chiến tranh toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân hình thành và ngày càng được củng cố phát triển, trong đó, quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.
Đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo không những động viên được sức mạnh của toàn dân, mà còn khơi dậy lòng yêu nước của toàn dân, toàn quân, và đó là yếu tố quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, mà điểm hội tụ cho sức mạnh quật khởi của cả dân tộc đó là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả của quá trình xây dựng, phát triển lực lượng, thế trận chiến tranh và nghệ thuật tác chiến chiến dịch
Nhờ đường lối, tư duy chiến lược nhạy bén, chính xác, quân và dân Việt Nam với lực lượng vũ trang non trẻ, vũ khí trang bị thiếu thốn, thô sơ, đã anh dũng đứng lên chiến đấu với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ," với ý chí, quyết tâm cao độ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!"
Sau khi ngăn chặn và làm chậm bước tiến của quân Pháp tại mặt trận Nam Bộ, Nam Trung Bộ vào cuối năm 1945 và mặt trận Hà Nội, Nam Định cuối năm 1946, quân và dân ta dựa vào thế trận chuẩn bị sẵn, tổ chức và thực hành chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, chặn đánh và làm thất bại cuộc hành binh của quân Pháp nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến.
Đây là đòn phủ đầu quân Pháp trên quy mô chiến dịch với lực lượng sử dụng cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Thắng lợi Việt Bắc cùng với thắng lợi của quân và dân trên khắp cả nước đã làm tiêu tan mưu đồ "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp.
Nhờ thế, trận chiến tranh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc, quân và dân ta từng bước giành thế chủ động chiến lược, đẩy quân Pháp vào thế bị động đối phó. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nhất là lực lượng chính quy không những phát triển cả về số lượng mà còn cả chất lượng và khả năng tác chiến.
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Công cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam ngày càng thu nhiều thắng lợi to lớn, lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng được tăng cường. Thực tế đó nói lên tính đúng đắn, sáng tạo, hợp quy luật của đường lối chiến tranh nhân dân.
Cùng với đó, sự ra đời các đại đoàn chủ lực cơ động, đã đặt nền móng cho việc hình thành nghệ thuật tổ chức và thực hành chiến dịch, kết hợp lối đánh du kích với lối đánh vận động chiến.
Thắng lợi quan trọng trong chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950 là minh chứng sinh động cho bước phát triển cả về thế chiến lược và nghệ thuật tổ chức, thực hành chiến dịch tiến công trên quy mô đại đoàn.
Trong chiến dịch này, chiến thuật “đánh điểm diệt viện” đã được bộ đội ta phát triển thành cách đánh chiến dịch, với mục tiêu then chốt là Đông Khê và trận đánh then chốt tiêu diệt hai binh đoàn của quân Pháp.
Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới mang ý nghĩa chiến lược quan trọng, bởi nó phá được thế bao vây, mở toang cánh cửa liên hệ quốc tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Từ sau Chiến dịch Biên giới, ta sử dụng các đại đoàn chủ lực, luồn sâu về vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ mở các chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950-17/1/1951), Hoàng Hoa Thám (20/3-7/4/1951), Quang Trung (28/5- 20/6/1951), tiến công theo chiến thuật "đánh điểm diệt viện."
Cả ba chiến dịch đều không thành công, chưa thực hiện được mục tiêu chiến lược, vì ta đã không đánh giá đúng so sánh lực lượng và tiến công vào nơi không phù hợp.
Tuy nhiên, hoạt động của bộ đội ta ở đây đã buộc Pháp phải đánh giá lại vị trí của vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ đối với cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.
Đến Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951-25/2/1952), với lực lượng ba đại đoàn, ta đã hình thành thế trận phản công chiến lược, phá thế trận tiến công của quân Pháp.
Cuộc phản công Hòa Bình đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chỉ đạo kết hợp hai phương thức cơ bản của đấu tranh vũ trang chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, phối hợp bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, phối hợp quân với dân, làm cho chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy cùng phát triển mạnh mẽ.
Từ sau Chiến dịch Hòa Bình, chủ lực ta luồn sâu vào vùng địch hậu, thực hiện phân tán, căng kéo khối chủ lực cơ động đối phương.
Trên chiến trường rừng núi, ta mở Chiến dịch Tây Bắc (10/1952-12/1952), giải phóng một khu vực rộng lớn, tạo căn cứ địa mới nối liền với căn cứ địa Việt Bắc. Tiếp đó, quân đội ta phối hợp với quân đội Pathet Lào mở chiến dịch Thượng Lào (tháng Tư đến tháng Năm năm 1953), tiến công giải phóng Sầm Nưa.
Cho đến giữa năm 1953, thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã căng kéo lực lượng quân Pháp trên nhiều khu vực, khiến cho bộ máy điều hành chiến tranh của Pháp buộc phải thay đổi chiến lược, với việc hoạch định một kế hoạch quân sự toàn diện mang tên viên Tổng chỉ huy mới của quân Pháp ở Đông Dương - "Kế hoạch Henry Navarre," nhằm tập trung lực lượng, tiến công "chuyển bại thành thắng", giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Bước phát triển vượt bậc trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch
Trước tình hình quân Pháp triển khai Kế hoạch Henry Navarre, tháng 10/1953, tại Tỉn Keo (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị thảo luận và thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954.
Sau khi nghe báo cáo kế hoạch tác chiến Đông Xuân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh...! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn..."
Người nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng chiến lược mà ở đó địch tương đối yếu nhưng vì quan trọng nên chúng không thể nào bỏ được, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định hướng Tây Bắc sẽ là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Tuy nhiên, trong hoạt động có thể thay đổi tùy theo tình hình.
Thực hiện chủ trương chiến lược, từ ngày 19/11 đến 23/11/1953, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng triệu tập cán bộ cấp trung đoàn trở lên phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954.
Trong lúc Hội nghị đang diễn ra, thì ngày 20/11/1953, phát hiện ta điều động lực lượng lên Tây Bắc (Đại đoàn 316), H. Navarre liền cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ.
Ý đồ đổ quân xuống Điện Biên Phủ của Navarre đã được Hội nghị thảo luận, rồi đi đến nhận định, trước sự uy hiếp của ta, địch đã phải bị động đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ để yểm hộ cho Tây Bắc, bảo vệ Thượng Lào, để phá kế hoạch tiến công của ta...
Dù địch tình thay đổi thế nào, thì việc quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản có lợi cho ta. Ngược lại, nó bộc lộ mâu thuẫn của quân Pháp giữa chiếm đóng đất đai với tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng.
Theo phương án tác chiến Xuân 1954 đã được Bộ Chính trị thông qua đầu tháng 12/1953, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các hướng triển khai lực lượng, đẩy mạnh tiến công địch.
Từ ngày 10 đến 25/12/1953, quân ta tiến công tiêu diệt 20 đại đội địch, giải phóng Lai Châu, tạo thế uy hiếp mạnh Điện Biên Phủ.
Hạ tuần tháng 12/1953, quân ta phối hợp với quân Pathet Lào phá tan "tuyến cấm" của quân Pháp ở Vĩ tuyến 18, giải phóng nhiều vùng thuộc Trung Lào. Phát triển tiến công, liên quân Việt Nam, Lào và Quân giải phóng Issarak (Campuchia), giải phóng vùng Kongpong Cham tiến đến sát sông Sơlông, mở hành lang chiến lược nối căn cứ miền Đông và Đông Campuchia với vùng giải phóng Hạ Lào và Trung Lào.
Tiếp đó, đầu tháng 2/1954, quân ta tiến công địch ở Kon Tum và vùng bắc Tây Nguyên, bước đầu làm thất bại cuộc hành quân Atlante của quân Pháp.
Hạ tuần tháng 1/1954, tại Thượng Lào, liên quân Việt Nam-Lào tiến công, uy hiếp quân địch tại phòng tuyến sông Nậm Hu, giải phóng tỉnh Phongsayly, bao vây Mường Sài.
Pháo binh ta sẵn sàng nổ súng để tiêu diệt địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ. |
Trong số 52 tiểu đoàn cơ động, quân Pháp chỉ có thể bố trí tại Điện Biên Phủ 17 tiểu đoàn và cho vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn 20 tiểu đoàn.
Thực tế đó cho thấy, quân và dân ta đã thực hiện đúng sự chỉ đạo chiến lược; thu hút, giam chân lực lượng cơ động của quân Pháp, giải phóng nhiều vùng rộng lớn và đặc biệt, thực hiện bao vây chặt quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Như thế, việc quân Pháp tổ chức, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm đã nằm trong ý đồ của ta ngay từ đầu; và do đó, ta giữ vững được quyền chủ động chiến lược.
Thắng lợi bước đầu nhưng hết sức quan trọng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 khẳng định tính đúng đắn, chính xác trong chỉ đạo chiến lược và đó là điều kiện tiên quyết để Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ, tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh.
Đây là lúc có sự chuyển biến từ "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu" sang "đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở" của đối phương để giành thắng lợi quyết định.
Tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận chiến dịch vững chắc; thực hiện bao vây rộng lớn, chia cắt và cô lập Điện Biên Phủ với các chiến trường khác
Nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh có ý nghĩa quyết định tiên quyết đối với việc tổ chức, xây dựng lực lượng và thế trận chiến dịch.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, điều quan trọng trước hết chính là cách đánh chiến dịch, nói cách khác là việc xác định chính xác phương châm tác chiến chiến dịch làm cơ sở cho việc hạ quyết tâm chiến đấu. Điều đó xuất phát từ thực tế khách quan và chủ quan.
Phải thấy rằng, Bộ chỉ huy quân đội Pháp thực hiện quyết tâm cao nhất, xây dựng tại lòng chảo Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm mạnh cả về lực lượng (17 tiểu đoàn bộ binh và dù cùng với các lực lượng chiến đấu khác; quân số 16.000 người), về vũ khí, trang bị, phương tiện chiến đấu mặt đất và trên không, cả về hệ thống công sự, boogke, hầm hào, nhằm "nghiền nát" lực lượng chủ lực của Việt Minh.
Trong khi đó, các đại đoàn chủ lực của ta dù đã thực hành tiến công các căn cứ phòng ngự của quân Pháp (đánh công kiên), nhưng đây là lần đầu tiên ta tiến công vào một tập đoàn cứ điểm liên hoàn (49 cứ điểm), với hệ thống phòng ngự ngày càng được củng cố vững chắc.
Bộ đội ta vừa chiến đấu vừa đào hào bao vây tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ. |
Phương châm ban đầu "đánh nhanh, thắng nhanh" trong hai đêm ba ngày có ưu điểm là tạo bất ngờ, giữ được quyết tâm và vấn đề cung cấp, tiếp tế có thể đáp ứng tốt hơn. Nhưng, việc xác định phương châm tác chiến cho một chiến dịch quan trọng mang tầm vóc trận quyết chiến chiến lược đòi hỏi Bộ Tổng Tư lệnh và Tư lệnh chiến trường phải cân nhắc, tính toán, quyết định chính xác.
Trên cơ sở so sánh tương quan lực lượng, đánh giá khả năng của quân ta và quân đồn trú Pháp tại Điện Biên Phủ, trong đó, điều quan trọng bậc nhất là phải " đánh chắc thắng" theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, vì thế, với trọng trách là Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với tập thể Đảng ủy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm chiến dịch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" (26/01/1954).
Việc thay đổi phương châm đòi hỏi quyết tâm rất lớn, bởi công tác chuẩn bị kéo dài, khó khăn về bảo đảm hậu cần đặt ra gay gắt và, ngay cả công tác tư tưởng cũng vấp phải những ý kiến chưa đồng thuận...
Để thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc," ta tổ chức lực lượng và thế trận vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung và bao vây từng trung tâm đề kháng nói riêng.
Ngoài xây dựng trận địa của bộ binh, ta còn xây dựng trận địa vững chắc trên sườn núi, sườn đồi cho lực lượng pháo binh; đồng thời, xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch, Sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn trong lòng đất để bảo đảm việc chỉ huy không bị gián đoạn.
Chúng ta cũng bố trí lực lượng (trong đó có pháo cao xạ) chặn đường tiếp tế (đường không) của đối phương và bảo vệ đường tiếp tế vận tải của ta.
Trong quá trình chiến dịch, quân ta sáng tạo ra chiến thuật bao vây đánh lấn; đào hệ thống công sự, giao thông hào, chiến hào lấn dần lô cốt, trận địa của quân Pháp.
"Với hàng trăm kilômét giao thông hào và chiến hào, hàng vạn công sự cho bộ đội và hỏa lực, xen kẽ là các hầm ngủ, hầm cứu thương, hầm đạn… ta đã đảm bảo được việc cơ động lực lượng và chiến đấu liên tục ngày đêm, bảo đảm sinh hoạt của bộ đội trong điều kiện không quân và pháo binh địch đánh phá cực kỳ ác liệt."
Nhờ có thế trận chiến dịch vững chắc, quân ta đã hình thành được thế bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như vậy, ta đã hãm địch vào thế bị cô lập, bao vây, ngăn chặn từ xa đến gần.
Cùng với đó, với thế chủ động, ta đã hình thành lực lượng tiến công trên nhiều hướng, tiêu diệt từng lô cốt, cứ điểm, từng tiểu đoàn quân Pháp; hỏa lực pháo binh được chuẩn bị tốt, có công sự che chắn, lại ở thế có lợi (trên cao) nên ngay từ lúc khai hỏa, đã hạn chế một cách hiệu quả lực lượng pháo binh của quân Pháp. Hệ thống giao thông hào, chiến hào cùng với chiến thuật “lấn dũi” khiến cho hỏa lực chiến thuật của đối phương không thể phát huy hiệu quả…
Mặc dù vòng vây của quân ta ngày càng siết chặt, nhưng quân Pháp không thể tăng cường lực lượng cho Điện Biên Phủ, vì lực lượng cơ động của chúng đã bị quân và dân ta ghìm chặt trên những địa bàn chiến lược.
Phối hợp với Điện Biên, quân và dân ta tổ chức những trận đánh vào các sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), ngăn chặn cầu hàng không tiếp tế cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Điều đó cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa chiến trường chính Tây Bắc - Điện Biên Phủ với các chiến trường khác "chia lửa" với Điện Biên Phủ, đã tạo thế bao vây, tiến công liên tục, đẩy đối phương đến bước đường cùng và đi tới thất bại.
Phát huy cao nhất sức mạnh tác chiến hợp đồng binh chủng, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh dứt điểm từng trận then chốt
Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng ta tham gia chiến dịch, bên cạnh các đại đoàn bộ binh (9 trung đoàn), có một Đại đoàn Công - Pháo (351) và một trung đoàn pháo cao xạ (367).
So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch ở chiến trường Điện Biên Phủ, ta có ưu thế về bộ binh, lực lượng pháo binh ta và địch tương đương nhau; về phương tiện chiến đấu, địch chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng và máy bay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong chiến đấu chính là việc sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp.
Thực hiện phương châm chiến dịch "đánh chắc, tiến chắc," quân ta đã phát huy được sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, mà chủ yếu là giữa bộ binh, pháo binh và phòng không bắn phá chi viện, bảo vệ đội hình cho bộ binh.
Trong đợt một chiến dịch (13 đến 17/3/1954), ta đã tập trung được ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt được ba cụm cứ điểm ngoại vi phía bắc. Tỷ lệ binh lực trong trận Him Lam, địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập, địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo, địch 1/ta 3. Riêng trận then chốt mở đầu chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu ta hơn địch 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta hơn địch 2,6 lần.
Do ta tập trung tiêu diệt từng cụm cứ điểm, cho nên pháo binh có điều kiện thuận lợi chi viện cho bộ binh trong từng trận đánh.
Thắng lợi của ta trong đợt một chiến dịch đã thể hiện rõ sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, tạo ưu thế binh hỏa lực hơn hẳn địch, dứt điểm từng cụm cứ điểm, vừa chiến đấu vừa rút kinh nghiệm trận trước cho trận sau, củng cố lực lượng sau từng trận, từng đợt chiến dịch và có điều kiện chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Cách đánh đó chính là bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp; được đánh dấu bằng việc xác định đúng phương châm tác chiến chiến dịch "đánh chắc, tiến chắc."
Tuy nhiên, trong đợt hai chiến dịch (30/3 đến 30/4/1954), nguyên tắc và kinh nghiệm tập trung binh hỏa lực không được quán triệt và thực hiện đầy đủ khi tiến công cụm điểm cao phía đông, do đó, quân ta gặp nhiều khó khăn và chịu tổn thất nặng. Chỉ riêng trận đánh đồi A1, ta sử dụng một trung đoàn (174) tiến công vào cụm cứ điểm có boongke, hầm ngầm kiên cố, pháo binh bắn phá không tập trung, nhất là ngăn chặn lực lượng địch phản kích, nên trong ba đêm liên tiếp (hai đêm sau tăng cường Trung đoàn 102) ta không thể đánh chiếm được cụm cứ điểm này.
Như thế, vấn đề vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, chu đáo, tập trung được binh hỏa lực chính là nghệ thuật giành thắng lợi trong chiến dịch đánh công kiên dài ngày, tiêu diệt sinh lực lớn của đối phương.
Vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch, kết hợp vây hãm với đột phá, đánh chính diện với các mũi thọc sâu, tạo thế chia cắt địch; hình thành xung lực mạnh, tổng công kích giành thắng lợi cuối cùng
Chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực của mọi thứ hỏa khí, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của đối phương là bước phát triển trong chỉ đạo cách đánh chiến dịch giai đoạn sau của đợt hai. Ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, kết hợp với tổ chức lực lượng bắn tỉa tiêu hao lực lượng địch, làm cho sinh lực của chúng hao mòn, tinh thần luôn căng thẳng.
Cùng với đó, ta đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, triệt tiếp tế đường không (con đường duy nhất), đánh vào "dạ dày" của đối phương. Điều kiện để vận dụng cách đánh này là không ngừng đưa trận địa tiến công và bao vây ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực không quân và pháo binh của chúng.
Thực hiện chủ trương tác chiến mới, từ giữa tháng Tư, quân ta đã từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường. Với cách đánh hiểm, thêm vào đó, hệ thống giao thông hào, chiến hào và các mũi tiến công thọc sâu của ta chia cắt, cô lập đông và tây sân bay, nam và bắc tập đoàn cứ điểm, khiến cho quân Pháp rơi vào thế khốn đốn, tinh thần ngày càng sa sút, tiếp tế ngày càng khó khăn.
Đến cuối tháng Tư, ta đã hình thành thế trận uy hiếp mạnh phân khu trung tâm Mường Thanh và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.
Bước vào đợt ba (1/5 đến 7/5/1954), trên cơ sở kết quả chiến đấu của hai đợt trước, quân ta tiếp tục đánh chiếm cụm cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở phía đông, chuyển sang tổng công kích đánh chiếm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào chiều 7/5.
Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt ba là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối cùng. Thời cơ đúng là khi phát hiện địch có triệu chứng tháo chạy, lập tức hình thành lực lượng thọc sâu, tiến thẳng vào Sở chỉ huy của đối phương, bắt tướng chỉ huy và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Chiến thắng Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là thắng lợi Điện Biên Phủ làm phá sản hoàn toàn kế hoạch quân sự Navarre, đồng thời mở ra một cục diện mới để quân và dân ta kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tướng Christian de Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp tại Điện Biên Phủ ra hàng. |
Có thể khẳng định rằng, thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Suy cho cùng, Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối "kháng chiến, kiến quốc," của chiến lược chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo. Chiến lược ấy đã tạo ra và nhân lên sức mạnh để quân và dân Việt Nam đủ sức đương đầu và làm thất bại các chính sách, kế hoạch, bộ máy chiến tranh và đội quân xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của thực dân Pháp.
Nguôn (vietnamplus.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét