Năm thứ II Xương Phù (1378) có 3 ông tổ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng đến khai phá mà lập ra trang Thổ Đôi (xưa sử chép Quỳnh Đôi là Hoàn Hậu, thực ra Quỳnh Đôi là một thôn trong xã Hoàn Hậu).
Quỳnh Đôi được thành lập năm 1378. Xưa làng có tên là Thổ Đôi Trang. Người dân Quỳnh Đôi sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng và dệt lụa.
Đình làng Quỳnh Đôi
Quỳnh Đôi nổi tiếng là đất văn vật. Tính từ năm 1444 đến năm 1725 Quỳnh Đôi có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp, tiến sĩ. Trong số đó có nhiều đại thần, nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn học, sử học mà cả nước biết đến. Đó là tiến sĩ - đông các đại học sĩ Hồ Sĩ Dương; tiến sĩ - hoàng giáp Hồ Phi Tích; tiến sĩ - hoàng giáp Hồ Sĩ Đống... Rồi giải nguyên Hồ Sĩ Tôn, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân... Sau này có Hồng lô tự khanh Phạm Đình Toái đã hoàn thiện tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca.

Quỳnh Đôi là quê hương của nữ thi sỹ Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ nôm của Việt Nam, là quê hương của các tiến sỹ, văn sỹ nổi tiếng…

Quỳnh Đôi còn là vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đã cống hiến cho dân tộc nhiều anh hùng hào kiệt qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Từ thế kỷ XV, người Quỳnh Đôi như các ông Hồ Hân, Trần Bá Đắc, Phan Hoàng Nhiễu đã có mặt ở cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đứng dưới cờ Lê Lợi. Trong phong trào Tây Sơn, đã có các ông Hồ Phi Tứ, Phan Chí Tùy.. .gia nhập nghĩa quân. Hai chị em bà Nguyễn Thị Phát đã tự nguyện xuất tiền, xuất gạo nuôi quân Quang Trung.
Làng quỳnh
Khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, đa số sĩ phu, nhân dân Quỳnh Đôi đứng về phe chủ chiến. Tiêu biểu nhất là các cụ Văn Đức Giai, Dương Doãn Hài, Hồ Bá Ôn. Thời Cần Vương, sĩ phu Quỳnh Đôi như các ông Phan Duy Phổ, Hồ Trọng Miên... đều nhiệt liệt hưởng ứng. Tham gia khởi nghĩa chống Pháp có các cụ giải nguyên Nguyễn Quý Yêm bỏ quan theo Tống Duy Tân rồi bị Pháp bắt và xử tử nãm 1891 hay như cụ giải nguyên Dương Quế Phổ chống Pháp ở Quỳ Châu bị bắt giải về Vinh đã uống thuốc độc tự tử để giữ tròn danh tiết (1887). Cũng trong phong trào chống Pháp sau đó ít lâu nổi bật lên những gương mặt khí tiết của người Quỳnh Đôi như bà Lụa (Trần Thị Trâm), vợ ông Hồ Bá Trị, em ruột án sát Hồ Bá Ôn. Bà Lụa đã bôn ba từ Việt Nam sang Xiêm mua vũ khí cho nghĩa quân Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn... và làm liên lạc cho các chí sĩ cách mạng. Bà bị giặc bắt, dụ dỗ, tra tấn song không hé răng một lời. Đình làng Quỳnh Đôi đã trở thành nơi gặp gỡ của các sỹ phu yêu nước trong phong trào Văn Thân Cần Vương.

Trong phong trào xuất dương cứu nước nhiều thanh niên Quỳnh Đôi đã hăng hái ra đi như Hồ Học Lãm, Nguyễn Nhu, Hồ Ngọc Chương, tiêu biểu là đồng chí Hồ Tùng Mậu, một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Quỳnh Lưu được chủ tịch Hồ Chí Minh đào tạo ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1924. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1925 trở về sau, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên cao, đình Quỳnh Đôi trở thành nơi tập trung các cuộc đấu tranh, hội họp bí mật của các tổ chức cách mạng như: Tân Việt và Thanh Niên. Những thanh niên yêu nước làng Quỳnh thường tổ chức các hoạt động văn hoá tại đình làng, diễn kịch, tuồng, trò Trưng Trắc, Trưng Nhị, bình thơ để tuyên truyền, cổ động trong quần chúng nhân dân.

Trên cơ sở sự phát triển của các tổ chức Tân Việt và Thanh Niên, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào tháng 3-1930 chi bộ Đảng làng Quỳnh được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều cuộc diễn thuyết, mít tinh biểu tình đã được tổ chức tại đình làng lôi kéo nhân dân các làng đến tham dự.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top