Công an tỉnh Nghệ An: "Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa

Với đặc thù là đơn vị chiến đấu tập trung của Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát bảo vệ & Cơ động (PC65) từ lâu được xem là nơi đón đầu và thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ ANTT, ngăn chặn và trấn áp các loại tội phạm. Một ngày của các anh cũng đồng nghĩa là một ngày phơi sương phơi gió, luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy...

Bóng hồ công an

Giống như những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa, các chiến sỹ của PC65 đã và đang sống những ngày đẹp nhất trong tuổi trẻ của mình, cống hiến cho đời sức trẻ, lòng nhiệt tâm, sự can trường không hề nao núng trước muôn vàn khó khăn. Với bề dày thành tích đạt được, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống lực lượng CSBV&CSCĐ (15/4/1974 - 15/4/2014), đơn vị đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3.

Đa số là chiến sỹ trẻ

PC65, Công an tỉnh Nghệ An là một đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, có quân số đông (dao động từ 240 - 250 đồng chí), đa số là chiến sỹ có tuổi đời còn rất trẻ (hơn 1/2 là dưới 25 tuổi); được biên chế thành 11 đội công tác và 1 đại đội CSCĐ. Đây chính là lực lượng nòng cốt thực hiện các biện pháp vũ trang bảo vệ ANTT, trong đó nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là cơ động chiến đấu, xử lý các vụ gây rối ANTT, bạo loạn, phòng chống khủng bố, giải cứu con tin và tấn công, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, phòng còn trực tiếp tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ANTT, bảo vệ các mục tiêu trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hoá… cũng như các sự kiện, hội nghị diễn ra trên địa bàn; tổ chức quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống, khắc phục hiểm họa, thiên tai… Ngoài những nhiệm vụ mang tính đặc thù, PC65 còn phối hợp với các đơn vị khác như Cảnh sát môi trường, Cảnh sát hình sự, ma tuý để càn quét, đẩy lùi các vấn nạn, bắt các trùm ma tuý, đối tượng hình sự cộm cán, qua đó mang lại bình yên cho địa bàn.

Chỉ tính riêng trong quý I/2014, PC65 đã hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đặt ra. Đội công tác bảo vệ mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các mục tiêu, 77 chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trong và ngoài tỉnh; 223 cuộc họp và các hoạt động khác diễn ra tại các mục tiêu. Bảo vệ an toàn 2.112 đoàn khách trong nước với 40.355 lượt người; 70 đoàn khách nước ngoài với 1.149 lượt người ghé thăm, viếng và làm việc tại các mục tiêu. Thông qua công tác bảo vệ mục tiêu, đội đã phát hiện, bắt giữ 3 vụ phạm pháp, 4 đối tượng liên quan (1 vụ, 1 đối tượng tang trữ trái phép chất ma tuý với tang vật thu được là 0,35g ma tuý đá; 1 vụ, 1 đối tượng trộm tài sản, tang vật thu được là 1 chiếc laptop Aser; 1 vụ gây rối TTCC, 2 đối tượng). Ngoài ra, còn cưu mang, giúp đỡ 2 cháu bé thất lạc trở về với gia đình nhân dịp Tết nguyên đán.

Hay như một trường hợp mới đây nhất là đồng chí Phạm Xuân Vinh, chiến sỹ Đội CSBV mục tiêu Quảng trường Hồ Chí Minh, trong lúc làm nhiệm vụ đã nhặt được chiếc túi xách, bên trong có một số vàng tương đương 23 chỉ vàng cùng số tiền mặt 5 đồng. Vinh đã báo đơn vị, liên hệ và trả lại người đánh mất. Hành động của Vinh một lần nữa để lại ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh người chiến sỹ công an nhân dân trong lòng dân.
Còn Đại đội CSCĐ, chỉ tính từ đầu năm đến cuối tháng 3 vừa qua, đã bố trí 172 ca tuần tra (riêng buổi tối, từ 20 giờ đêm cho tới 5 giờ sáng hôm sau) với 1.108 lượt CBCS tham gia vũ trang tuần tra khảo sát trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận. Thông qua công tác vũ trang, đã phát hiện 32 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ 50 đối tượng, tang vật thu được gồm 4 xe máy, 1 khẩu súng côn, 3 viên đạn, 1 dao, 6,93g ma tuý đá, 1,78g heroin, cũng như nhiều thùng hàng do nước ngoài sản xuất, không có giấy tờ hợp lệ… Phát hiện và lập biên bản nóng 450 trường hợp, ra quyết định xử phạt 396 trường hợp vi phạm TTATGT, nộp kho bạc nhà nước 174.356.000 đồng.

Không nao núng trước các loại tội phạm

Trung tá Hoàng Minh Nghiêm, đại đội trưởng Đại đội CSCĐ - người được biết đến với biệt danh là thủ lĩnh thép, khắc tinh của mọi loại tội phạm chia sẻ: "Với đặc thù là lực lượng tiên phong trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố cũng như các vùng phụ cận, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các trinh sát gặp không ít khó khăn, cản trở.

Trong các loại tội phạm, tội phạm về ma túy và truy nã là hai loại tội phạm nguy hiểm nhất. Hầu hết các đối tượng đều ở độ tuổi rất trẻ, vốn sống chưa nhiều, sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Và nhất là, hầu hết những đối tượng dạng này đều trong tình trạng đang "phê" thuốc, các chiến sỹ có giải thích thế nào cũng khó tỉnh ngộ, thành ra phải dùng biện pháp cưỡng chế. Mà các đối tượng này lại hết sức manh động, luôn trong tư thế sẵn sàng chống trả bằng vũ khí, công cụ hỗ trợ khác như dao, kiếm... hòng tẩu thoát. Có không ít vụ, phải đối mặt giữa sự sống và cái chết. Thế nhưng, với tinh thần cương quyết và không nao núng, anh em đều không chùn bước, bám sát mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ".

Về một trong những giây phút sinh tử ấy, trung tá Hoàng Minh Nghiêm nhớ lại: "Lúc đó là cuối năm 2012, trời rất lạnh, từ tin báo của quần chúng nhân dân có đối tượng mang theo súng và lựu đạn để cướp tài sản người đi đường. Ngay lập tức, tôi đã cho một tổ công tác tiếp cận hiện trường xác minh. Khi phát hiện đối tượng, tổ tuần tra áp sát và tước được khẩu súng thì hắn móc ra quả lựu đạn đã rút chốt, cùng với con dao dọa cho nổ lăm lăm trong tay. Sau khi khống chế một chiếc xe ô tô trên đường, rồi tiếp tục chạy bộ, sau đó nhảy xuống sông Cửa Tiền bơi ra cố thủ trong thuyền của một ngư dân vạn đò khoảng 30 phút, đối tượng không chịu được phải chạy lên bờ.

Nhận thấy vụ việc phức tạp, tôi lập tức xuống hiện trường, vừa bám lấy đối tượng, vừa tìm cách thuyết phục và tìm cơ hội ra tay tước lấy quả lựu đạn. Lúc đó, anh em trong đơn vị có bao nhiêu cũng đều được huy động hết, bám sát tôi một quãng sau đó. Rồi đối tượng đòi tôi chở về nhà. Trên tay vẫn lăm lăm lựu đạn và dao (hắn đã vứt súng tự chế lại). Lúc đó tôi hết sức bình tĩnh, "chiều" hắn. Đi được một quãng, tôi phanh xe lại vì nghĩ đối tượng có thể dùng vũ khí khống chế mình để cướp xe.

Quả thật, sau khi dừng xe, hắn chồm ra phía trước cướp chìa khoá nhưng không thành, đành chạy bộ men theo con đường bê tông của làng. Lúc đó trời mùa đông rất lạnh, lại vừa bơi từ sông lên nên hắn cả cầm lựu đạn, cả con dao run run trong tay. Tôi mới cởi áo lót đưa cho hắn. Hắn cũng mặc vào. Lợi dụng sơ hở của đối tượng, đồng chí đại đội phó lao vào chụp lấy quả lựu đạn. Đối tương bị khống chế hoàn toàn".

Hai bóng hồng thầm lặng nở ngược bên hiên đời

Thường thì chúng ta vẫn quen thuộc với những bóng dáng CSCĐ là nam. Sở dĩ như vậy là bởi nam thì mới có sức khoẻ. Nam thì mới đủ dẻo dai cũng như sự mạnh mẽ để trấn áp tội phạm. Thế nhưng, giữa đại đội hầu như toàn nam ấy, tại PC65 lại có hai nữ chiến sỹ CSCĐ. Đó là Vũ Thị Huyền Trang (SN 1991) và Chu Thị Ngọc (SN 1992), đều tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang. Mặc dù là nữ, thế nhưng về năng lực cũng như nghiệp vụ, hai bóng hồng rất xinh đẹp này không hề thua bất cứ chiến sỹ nam nào.

Về hai chiến sỹ đặc biệt của đơn vị mình, trung tá Hoàng Minh Nghiêm rất tự hào: "Dù là nữ nhưng nghiệp vụ của Trang và Ngọc không thua bất cứ các chiến sỹ nam. Hai cháu rất thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát, nhìn thế thôi nhưng nếu gặp tội phạm thì quật ngã cả đó".

Vị thủ lĩnh thép cũng nói thêm: "Nên có 1 tiểu đổi cảnh sát đặc nhiệm là nữ. Vì trong quá trình xử lí tất cả các tình huống liên quan đến phụ nữ mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ thì việc khám xét rất khó khăn. Mà đối tượng phạm tội là nữ giới có phải là ít đâu, thậm chí có những giai đoạn áp đảo nam giới. Mà theo quy định, nam khám nam, nữ khám nữ. Những lúc không có người, lại phải nhờ một người đáng tin cậy nhất, là cơ sở của mình để khám. Đơn vị cũng có đề xuất 1 tiểu đội nữ nhưng quân số nữ trong ngành thiếu. Thành ra đơn vị hiện nay cũng chỉ có Trang và Ngọc".  

Khi hỏi cơ duyên nào dẫn đến việc gắn bó với nghề đặc thù như CSCĐ thì hai bạn đều cười rất tươi, chắc là duyên số gì đó nên mới chọn cái nghề này. Trang, 1 trong 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm từ K20 chuyển về đây thổ lộ: "Lúc đầu em cũng thấy mệt mỏi lắm. Mình là con gái nhưng lúc nào cũng khoác trên người bộ đồ đen thủi đen thủi, vừa to vừa nặng. Nhiều lúc công việc khắc nghiệt quá, cũng tủi thân này nọ nhưng rồi cảm giác đó cũng qua đi và càng làm càng thấy yêu nghề hơn".

Còn Ngọc, cô chiến sỹ mặt trẻ măng, lập gia đình hồi tháng 2 vừa qua lại chia sẻ: "Lúc học tập, bọn con trai học gì thì bọn em học đó, không bỏ bất cứ thứ gì. Có nhiều lúc quá mệt và muốn khóc. Khi đó, rất nhớ nhà, nghĩ nhiều về bố mẹ rồi lại cố gắng. Cũng may, chồng em, đồng thời là đồng nghiệp nên cũng hiểu, thông cảm với mình. Có những lúc, vì yêu cầu công việc, 1h sáng, cả vợ cả chồng đều phải lên đường. Sau một thời gian công tác, nghề mang lại cho em sự tự lập, kiên cường cũng như sự vững vàng hơn". "Vì là nữ nên bọn em được các anh, các chú trong đơn vị ưu ái hơn. Thế nhưng, khi vất vả thì cũng vất vả lắm", Trang nói.

Và các chiến sỹ trẻ của PC65, giống như "những bông hoa vẫn cứ nở bốn mùa" (tên tựa một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng viết) đang sống những ngày đẹp nhất của cuộc đời. Còn gì đẹp và chân thành hơn trái tim của một người trẻ tuổi? Còn gì sôi nổi, hăng hái và nhiệt huyết hơn tấm lòng của một người trẻ tuổi? Để rồi, càng về sau, cùng với thời gian và kinh nghiệm tích luỹ, trái tim ấy càng ngày càng đỏ và sống những ngày thiết tha hơn. Vì ở đó, là nhân dân, là cuộc sống mà họ chính là những ngọn đèn không bao giờ tắt. Bảo vệ mỗi tấc đất cũng như đang bảo vệ chính những người ruột thịt mình vậy. Vì đất và người đã hòa chung vào bài ca xứ sở mất rồi./

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top