Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Nói đến Yên Thành là nói đến vùng “quê lúa” của Nghệ An và nói đến vùng đất có nhiều chàng trai, cô gái thanh niên xung phong (TNXP) anh dũng, kiên cường trong hai cuộc chiến tranh. Những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi về đây để thắp nén tâm hương và chia sẻ tâm tư, nỗi niềm với thân nhân những người đã hóa thân cho đất nước mãi trường tồn.

Nỗi đau và niềm tự hào

Ðiểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Hợp Thành, nơi có 2 liệt sĩ TNXP hy sinh tại “tọa độ lửa” Truông Bồn gần 45 năm trước. Trong căn nhà vừa mới được sửa sang, ông Nguyễn Trọng Ðàn - người đang thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm kể chúng tôi chuyện người o ruột (tiếng phổ thông gọi là “cô”) của mình. Liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm hy sinh khi ông Ðàn mới 12 tuổi, nay đã gần 60 tuổi. Ðịa bàn hoạt động của o lúc thì ở Quỳnh Lưu, lúc vào Nghi Lộc, lúc lại ngược lên tận Ðô Lương.

Mỗi lần đi qua nhà, o thường tranh thủ ghé về nhà một vài tiếng. Những lúc như thế, o thường ngồi khâu vá cho cháu mình cái áo, cái quần bị rách. Trước lúc hy sinh mấy ngày, o Tâm dẫn người yêu là Cao Ngọc Hòa, người cùng đơn vị về ra mắt gia đình, sau đó lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Chiều ngày 30-10-1968, gia đình người yêu o Tâm từ Diễn Châu lên ăn hỏi. Ðêm đó, bà nội ông Ðàn và mẹ của người yêu o Tâm trò chuyện gần như suốt đêm, câu chuyện xoay quanh việc vun vén và xây dựng tương lai, hạnh phúc cho đôi trẻ. Sáng mai, khi gia đình ông ra cổng tiễn nhà trai, bỗng dưng mọi người cảm nhận được sự rung chuyển, chấn động của mặt đất.

Lúc đó, ai cũng đoán được giặc Mỹ vừa thả loạt bom tọa độ tại một trọng điểm nào đó không xa. Rồi khoảng 3 tiếng sau, gia đình nhận được tin o Tâm và dượng Hòa vừa hy sinh tại Truông Bồn. Bom đã dứt nhưng đất dưới chân dường như đang lún sụt... Mọi người vội vã chạy bộ lên Truông Bồn cùng mọi người đào bới đống đất đá để tìm thi thể con gái nhưng vô vọng. Xương thịt o Tâm đã tan biến vào mạch đất Truông Bồn.

Ông Nguyễn Trọng Đàn với tấm ảnh chân dung của người o ruột (liệt sĩ Nguyễn Thị Tâm)

Cách nhà ông Ðàn không xa, gia đình anh Phan Văn Châu (sinh năm 1963) cũng được giao chăm sóc hương hồn của 4 liệt sĩ. Một người là con nuôi của ông nội anh Châu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, một người là bác ruột hy sinh năm 1966, một người là chú ruột hy sinh năm 1972. Còn một người nữa, liệt sĩ Phan Thị Dung - anh gọi bằng o hy sinh ngày 31-8-1968 tại Truông Bồn. Trong nhà thờ chi 2 - họ Phan ở xóm Xuân Thượng (Hợp Thành) tấm bằng Tổ quốc ghi công và bức di ảnh của liệt sĩ Phan Thị Dung được treo ở một vị trí trang trọng. Lúc liệt sĩ Phan Thị Dung hy sinh, anh Phan Văn Châu chưa đầy 5 tuổi nên không thể nhớ rõ khuôn mặt và vóc dáng.

Ngày mồng Một, ngày Rằm và các dịp giỗ chạp, lễ tết, gia đình anh Châu không bao giờ quên việc sắm sửa hoa quả, mâm cỗ, hương vàng dâng lên hương hồn các liệt sĩ. Quanh năm bận việc đồng áng nhưng anh vẫn sắp xếp lên Truông Bồn, đến dâng lễ và thắp hương trước phần mộ chung của o Dung cùng 6 đồng đội khác đã hóa thân và vĩnh viễn yên nghỉ nơi mảnh đất này. Mỗi khi có sách báo viết về tập thể TNXP anh hùng hy sinh tại Truông Bồn, anh đều tìm đưa về nhà bằng được để đặt trước ban thờ và thắp hương báo với o Dung. Những tờ báo và cuốn sách ấy với các thành viên trong gia đình đã thành “gia bảo”, được cất giữ cẩn thận để truyền lại cho con cháu đời sau hiểu rõ hơn về sự hy sinh người thân trong gia đình.


Mong ước lớn nhất của bà Nguyễn Thị Đị (mẹ liệt sĩ Nguyễn Danh Mão) là tìm được mộ con

Ðau đáu Sê Băng Hiêng

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Danh Diệu (sinh năm 1954), xã Bắc Thành đúng vào ngày giỗ lần thứ 44 của liệt sĩ Trần Danh Mão (anh trai ông Diệu). Ông cho biết: Anh Trần Danh Mão học rất giỏi, tích cực tham gia công tác đoàn đội. Học xong lớp 9, anh đã dạm hỏi một cô gái cùng làng nhưng vẫn tình nguyện gia nhập TNXP chống Mỹ cứu nước. Ngày 1-5-1969, anh và đồng đội của anh lên đường... Gia nhập lực lượng TNXP, anh Mão được phân công làm Tiểu đội phó thuộc Ðại đội 202-N241-P31. Ðơn vị của TNXP của anh hoạt động chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của đơn vị là cáng thương, tải đạn và lương thực phục vụ chiến trường.

Nơi liệt sĩ Trần Danh Mão hy sinh là ở ngã ba sông Sê Băng Hiêng, thuộc địa bàn xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Vị trí này chính là địa điểm đơn vị chọn để xây dựng kho gạo dự trữ phục vụ chiến dịch. Trưa ngày 16-7-1969, Tiểu đội phó Trần Danh Mão đang tải bao gạo 70kg trên lưng, đi từ sông lên kho tập kết thì bất ngờ một tốp máy bay Mỹ kéo đến cắt bom tọa độ. Mặt đất rung chuyển, khói lửa ngút trời. Sau loạt bom, đồng đội ra tìm thấy Tiểu đội phó của mình máu đầm đìa, nằm thoi thóp dưới một gốc cây, ngực bị trúng một mảnh bom. Ðồng đội quyết định cáng đến trạm cứu thương, nhưng mới đi được chừng 2km, người tiểu đội phó ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Thi hài liệt sĩ Trần Văn Mão được đồng đội chôn cất ở bìa rừng cách vị trí hy sinh không xa.

Theo sơ đồ các đồng đội của anh trai cung cấp, ông Diệu đã nhiều lần vượt suối, băng rừng vào Hướng Hóa, tìm đến ngã ba sông Sê Băng Hiêng để tìm mộ liệt sĩ Trần Danh Mão nhưng đành ngậm ngùi trở về. Bởi lẽ, đã hơn 40 năm trôi qua, vùng đất này đã bao lần bị bom đạn địch cày xới, rồi bao lần mưa nguồn suối lũ làm cho cảnh vật đổi thay. Trước cảnh rừng núi hoang vu, ông Diệu chỉ biết bày lễ, thắp hương và gọi tên anh trai, rồi òa khóc nức nở...

Mỗi lần biết ông Diệu trở về “tay trắng”, mẹ ông - cụ Nguyễn Thị Ðị (gần 85 tuổi) lại thở dài. Rồi những giọt nước ứa ra từ khóe mắt, rịn xuống khuôn mặt nhăn nheo, héo úa. Cụ không sang ở với các con, cụ muốn ở một mình trong căn nhà cũ kỹ, bị mối mọt xông hơn nửa để chờ người con trai đi TNXP trở về. Vì ngày trước, anh Mão của cụ ra đi từ mái nhà này. Mấy năm nay, dù bị chứng bệnh liệt nửa người hành hạ nhưng cụ Ðị vẫn quyết không chịu rời bỏ căn nhà cũ ấy. Cụ thường ngồi nhìn lên mái nhà, nhìn quanh các bức tường vôi long tróc như để tìm hình bóng của người con trai đã ra đi từ hơn 44 năm trước.

Từ xã Bắc Thành, vượt qua cánh đồng lúa, chúng tôi đến xã Nam Thành thăm thân nhân liệt sĩ Ðinh Văn Bỉnh (sinh năm 1953) - người hy sinh cùng ngày với liệt sĩ Trần Danh Mão. Tiếp chúng tôi là bà Ðặng Thị Vợi (sinh năm 1952), em dâu liệt sĩ Bỉnh. Qua lời bà Vợi, được biết liệt sĩ Bỉnh cùng tiểu đội với liệt sĩ Mão và 2 người hy sinh cùng ngày. Chỉ có điều liệt sĩ Trần Danh Mão hy sinh vào buổi trưa, còn anh trai chồng bà hy sinh lúc chiều tối.

Mẹ mất lúc Ðinh Văn Bỉnh vừa mới 9 tuổi, bố đi lấy vợ khác, anh em ông sớm phải gánh chịu thiệt thòi, cơ cực. Mới 16 tuổi, Bỉnh đã gia nhập TXNP chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ ở Quảng Bình, Quảng Trị. Rồi ông hy sinh và nằm lại với núi đồi Hướng Lập. Cho đến nay, gia đình bà Vợi vẫn không tìm ra được tấm di ảnh của liệt sĩ Bỉnh để đặt lên bàn thờ. Cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công của người anh trai chồng, bà Ðặng Thị Vợi rưng rưng nước mắt: “Nghe nói anh Bỉnh hy sinh trong một cánh rừng sâu ở Quảng Trị, đường vào rất gian nan, hiểm trở. Ông Thỉnh - chồng tôi nằm liệt giường gần 10 năm nay; anh em, con cháu mỗi người một nơi, không biết khi nào mới đưa được thi hài anh anh Bỉnh về quê!”.

Khi tìm về dâng hương cho 4 liệt sĩ trong tổng số hơn 40 liệt sĩ TNXP của “quê lúa”, chúng tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Thanh Thảo: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi là Tổ quốc/ Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...?”.

Tác giả bài viết: Bùi Khánh Huyền

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top