Học để làm gì?
Trọng tâm của giáo dục là việc học, chứ không phải là việc dạy hay nội dung chương trình. Vì thế, mọi hoạt động của giáo dục theo tôi đều phải xoay quanh việc học.
Với việc học, có ba câu hỏi tối quan trọng cần phải trả lời: “Học cái gì?”, “Học thế nào” và “Học để làm gì?”. Trong số ba câu hỏi này theo tôi, “Học để làm gì?” là quan trọng nhất, vì nếu trả lời được câu hỏi này thì hai câu còn lại sẽ tự động có đáp án.

Học để làm gì?

Hệ thống giáo dục hiện thời đang đặt trọng tâm vào “Học cái gì?”, vì thế sách giáo khoa sẽ chiếm vị trí là trung tâm. Đó là lý do vì sao những cuộc cải cách giáo dục trong suốt mấy chục năm qua chỉ loay hoay vào sách giáo khoa. Ngay cả đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai cũng tập trung vào sách giáo khoa với lượng kinh phí lớn.

Sách giáo khoa là chân lý. Ông thầy với cuốn sách giáo khoa trong tay chính là hiện thân của chân lý. Học sinh sẽ không được nói những điều khác sách, không được phản biện, chất vấn thầy cô. Việc học sẽ tiến hành theo kiểu đọc - chép, học thuộc, luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài, theo mẫu hoặc sách tham khảo.

Việc lấy “Học cái gì?” làm trọng tâm cũng dẫn đến một hệ quả tất yếu là học để thi vì đó là cách dễ nhất để kiểm tra xem học sinh đã học được cái gì. Mà khi đã học để thi thì bệnh thành tích cũng là hệ quả hiển nhiên, không cách nào khắc phục được.

“Học cái gì?” và “Học để thi” cũng là cách tốt nhất để thể hiện quyền uy của người thầy, vì chỉ cần kiểm tra học sinh xem có thuộc như sách hay không là nắm trọn quyền sinh, quyền sát trong tay. Đây là cách tiếp cận yêu thích của các nhà quản lý vì dễ dàng kiểm soát. Chỉ cần nắm chặt sách giáo khoa là kiểm soát được cả hệ thống.

Muốn thoát khỏi cách tiếp cận này thì hệ thống giáo dục cần phải thay đổi từ “Học cái gì?” sang “Học thế nào?” và lý tưởng nhất là chuyển hẳn sang “Học để làm gì?”.

Càng lên cao thì “Học để làm gì?” càng trở nên quan trọng. Với bậc đại học thì “Học để làm gì?” là câu hỏi chủ chốt mà mỗi sinh viên, và rộng hơn là nhà trường, cần phải trả lời. Với một cá nhân, muốn việc học có hiệu quả thì phải trả lời bằng được câu hỏi “Học để làm gì?”. Với một hệ thống giáo dục, muốn cải cách thành công thì câu hỏi này cũng phải được bàn thảo một cách thấu đáo.

Vậy nên, trong hơn một năm qua, tôi thường làm các khảo sát bỏ túi xung quanh câu hỏi “Học để làm gì?” với những bạn học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh mà tôi gặp. Câu trả lời thường rơi vào các nhóm như sau: Học để thi; học vì bố mẹ bảo học; học vì không biết làm gì khác; học mà không biết học để làm gì; học vì tất cả mọi người đều như vậy; học như một quán tính, hết cấp 1 thì lên cấp 2, lên cấp 3, rồi vào đại học.

Khoảng 80% học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học, khoảng 50% sinh viên trả lời: học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm. Khoảng 40-50% sinh viên đại học và khoảng 20-25% học sinh phổ thông trung học nói rằng: học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình.

Khoảng 80-90% bậc phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi trả lời: học để mở mang hiểu biết hoặc học để có địa vị trong xã hội.

Câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm tỷ lên khoảng 5-10%, tùy theo nhóm là học để tự hoàn thiện mình. Với một số người có tuổi, hoặc giáo viên, thì có thêm câu trả lời: Học để làm người.

Như vậy có thể thấy, phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, để có địa vị trong xã hội. Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là học mà không có bất cứ mục tiêu nào.

Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến >95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.

Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý. Trung bình một người đang đọc bài viết này chắc hẳn đã đầu tư khoảng 10-20 năm để đi học. Một đầu tư rất lớn về thời gian và tiền bạc như vậy mà mục đích lại không rõ ràng thì thật là kỳ lạ.

Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: Học để làm gì?

Xét rộng hơn cho cả hệ thống thì kết luận cũng tương tự. Khi câu hỏi “Học để làm gì?” không được trả lời thì tính hướng đích của hệ thống sẽ không rõ ràng. Hoạt động của hệ thống sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Cải tiến, cải lùi, rồi lại cải tiến, rồi chạy lại vòng vòng, như mấy chục năm qua, là kết quả có thể dự đoán trước.

Trong mớ bòng bong đó, rất may, UNESCO đã đưa ra câu trả lời giúp chúng ta nhân dịp bước sang thiên niên kỷ mới, rằng: Học để biết, Học để làm, Học khẳng định mình và Học để chung sống với người khác (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Đây là một nhận định sáng suốt của UNESCO và cần được phổ biến. Nhưng đây không phải là câu trả lời duy nhất.

Trong số các câu trả lời mà tôi nhận được thì cá nhân tôi cho rằng, học để làm người là một nhận định xác đáng và sẽ vẫn còn chỗ đứng trong giáo dục. Vấn đề là người như thế nào?

Điều đó cho thấy câu trả lời này có nội hàm mập mờ, thậm chí hàm chứa cạm bẫy áp đặt quan niệm, nên cần làm rõ. Chẳng hạn, chỉ cần dấn thêm một bước bằng câu hỏi người là gì, hay làm người theo tiêu chí nào, thì câu trả lời này sẽ rơi vào thế bế tắc hoặc hỗn loạn vì có quá nhiều đáp án. Do đó, học để làm người thoạt nghe tưởng là chân lý, nhưng lại chứa rất nhiều nội dung không rõ ràng, hoặc bị áp đặt sai lệch, nên cần phải bàn thảo để làm rõ.

Vậy theo bạn, trong ba câu hỏi của việc học, thì đâu là câu hỏi quan trọng nhất? Bạn đã từng đặt câu hỏi “Học để làm gì?” chưa? Nếu có thì câu trả lời của bạn là gì? Bạn hiểu thế nào về học để làm người?

Giáp Văn Dương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top