GS Ngô Bảo Châu: 'Đại học Việt Nam làm ngược với thế giới'

Vị GS cho rằng, giáo dục đại học đã tụt hậu ngay với các nước trong khu vực, còn Bộ trưởng Nguyễn Quân nhận định, vấn đề nằm ở tự chủ tài chính, bản thân ông và Bộ trưởng Giáo dục cũng không quyết định được lương cho GS Châu.
"Việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam đang làm ngược quy trình với thế giới ở tất cả các bước", Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu vấn đề tại Hội thảo về “Cải cách giáo dục đại học" diễn ra tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP HCM ngày 31/7.

GS Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu: "Việt Nam đang đi ngược với thế giới". Ảnh: Nguyễn Loan
Theo GS Châu, việc tạo nguồn nhân lực ở các đại học Việt Nam là bồi dưỡng sinh viên giỏi và đưa các em quay lại trường làm giảng viên. Trong khi đại học phương Tây hạn chế tối đa các ứng viên địa phương này.
“Đó là tư duy cũ kỹ, sai lầm vì việc tạo nguồn như vậy mang tính chủ quan, ưu tiên người mình đào tạo, không chủ động đi tìm nguồn khác, dẫn đến thiếu tính cạnh tranh. Một nhà khoa học trẻ ở Việt Nam hầu như không có lựa chọn khác ngoài tiếp tục làm ở nơi ông thầy hướng dẫn. Như vậy anh ta đánh mất đi cơ hội phát triển, sự độc lập khoa học với người thầy hầu như không có”, ông Châu nêu.
GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, quy trình tuyển chọn cán bộ giảng dạy ở đại học Việt Nam mang nặng tính hành chính, theo quy trình tuyển chọn công chức, viên chức nhà nước mà không có tính đặc thù của môi trường hàn lâm. Trong khi đại học phương Tây, tiêu chí hàng đầu là khả năng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm giáo sư ở nước ta phụ thuộc vào một cơ quan cấp nhà nước.
“Gần đây, Hội đồng chức danh chỉ công nhận chức danh giáo sư, còn việc bổ nhiệm do các trường thực hiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó còn phức tạp, các trường vẫn không thực sự được bổ nhiệm giáo sư. Không bổ nhiệm được một 'ông tướng' thì không thể tự chủ khoa học được”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Về chế độ thu nhập, theo ông Châu, đây là vấn đề phức tạp, cá nhân ông không tìm ra lời giải đáp thấu đáo. “Lương giảng viên về mặt định lượng rất thấp đã đành, về cơ chế cũng rất cứng nhắc đưa đến sự phức tạp, thiếu minh bạch. Các giảng viên phải được hưởng chế độ đãi ngộ của tầng lớp trung lưu. Trong khi mức lương cố định hiện nay không phản ánh được điều đó”, GS Ngô Bảo Châu nói và đề xuất lấy thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học.
Cuối cùng, GS Châu nói về việc sử dụng nhân lực cao cấp. Ông dẫn chứng một GS nước ngoài nổi tiếng tự nguyện qua Việt Nam làm việc nhưng không được bất kì ưu đãi nào. Trong khi, các đại học Trung Quốc có một nguồn kinh phí lớn để khuyến khích, mời các giáo sư nước ngoài đầu ngành nghỉ hưu qua làm việc trong 3 hoặc 6 tháng.

Bộ trưởng cũng không quyết định được lương
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để trao đổi về vấn đề quản trị và tự chủ trong các trường ĐH ở Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, Luật Giáo dục đại học đã giao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường còn dè dặt trong việc thực hiện quyền, chưa thoát được tư duy bao cấp.
Đồng quan điểm, song Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, ngoài tư duy bao cấp còn do yếu tố cản trở từ cơ chế. Các trường luôn thuộc Bộ chủ quản, kinh phí cấp qua Bộ chủ quản thì không bao giờ tự chủ được. Không có tự chủ tài chính thì mọi tự chủ khác chỉ là hình thức.
“Ở một đất nước mà tôi hoặc anh Phạm Vũ Luận (Bộ trưởng Bộ Giáo dục) không ký được lương cho anh Ngô Bảo Châu là điều rất kì lạ. Lẽ ra lương của anh Châu phải do anh quyết định vì anh ấy là một Viện trưởng nghiên cứu cao cấp về Toán…”, ông Quân đưa ví dụ khiến cả hội trường vang tiếng cười.
Sau khi quay ra hỏi hệ số lương của GS Ngô Bảo Châu, ông Quân nói: “Lương hệ số 10 bằng lương bộ trưởng, nhưng các thầy ở đây bảo hệ số 10 sao đủ sống. Lương của một giáo sư mà các cơ sở và đến cả cấp bộ cũng không quyết định được thì nói gì đến cơ chế tự chủ”.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, hệ thống luật của VN phức tạp nhất thế giới, ngành nào cũng giữ khư khư luật của mình. Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 và Nghị định của Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ giao biên chế nghiên cứu viên cho các đại học (hiện các đại học chỉ có biên chế giảng dạy).
“Chúng tôi đề xuất nhưng Bộ Nội vụ trả lời rất lạnh lùng rằng là chỉ giao biên chế theo đúng luật công chức và viên chức, không giao biên chế nghiên cứu từ năm 2003. Nhưng Luật Khoa học và công nghệ ra đời sau phải có hiệu lực hơn những luật ra đời trước. Bộ Nội vụ không giao biên chế nghiên cứu, làm sao Bộ Tài chính có căn cứ để cấp kinh phí cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học”, ông Quân nói.
Theo người đứng đầu ngành Khoa học, làm được cơ chế tự chủ cho đại học là một con đường chông gai và gian nan. Một mình Bộ Giáo dục không làm được mà đây là trách nhiệm của nhiều bộ và nếu không có hệ thống luật pháp đầy đủ, thông thoáng thì không làm được.

Các đề xuất của GS Ngô Bảo Châu về xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học:
Quyết định của Hội đồng tuyển dụng cần được hiệu trưởng phê duyệt trên cơ sở báo cáo của Hội đồng khoa học và thư giới thiệu đến từ bên ngoài. Quyết định tuyển dụng và lý lịch khoa học của những người được tuyển phải được công bố công khai.
Lấy việc bổ nhiệm giáo sư làm trọng tâm cho việc thực hiện tự chủ khoa học của các trường đại học. Nhận thức rộng rãi giáo sư là một vị trí công tác chủ chốt, chứ không phải là một phẩm tước danh dự.
Nới lỏng hệ thống thu nhập: bên cạnh thu nhập thông thường theo thang lương công chức, cán bộ khoa học giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt với nguồn từ trong và ngoài ngân sách, do các trường đại học chủ động quyết định.
Trong kế hoạch đầu tư xây dựng trường, bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cần chuẩn bị kinh phí để đầu tư xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy.
Thiết lập cơ chế và chính sách để “tận dụng nhân lực thời vụ cao cấp”. Lấy thành tích xây dựng và nâng cao chất lượng của đội ngũ nghiên cứu giảng dạy để đánh giá năng lực lãnh đạo trường đại học. Lấy thu nhập cán bộ khoa học giảng dạy làm một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng các trường đại học.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top