VIẾT CHO NHỮNG NGƯỜI CON XỨ NGHỆ THA HƯƠNG
Con người Xư Nghệ |
Ai có mặt trên cõi đời này mà chẳng có một quê hương, một nơi chốn để đi về, chia sẻ những vui buồn, hạnh phúc hay đau khổ. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, gắn bó với những kỉ niệm thời thơ ấu.
Chả thế mà sau này lớn lên, dù được gắn bó với quê nhà hay số phận đưa đẩy chúng ta đến một miền quê nào khác thì tận trong sâu thẳm chúng ta vẫn luôn nuôi dưỡng những hồi ức về những kỉ niệm ấu thơ, vẫn khao khát trở về quê, thậm chí được chết trên quê hương của mình. Quê hương luôn bao dung, chở che và đón nhận ta dù chúng ta thành công hay thất bại. Có lẽ vì vậy, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo - một người con của quê hương xứ Nghệ đã viết: Quá nửa đời phiêu bạt con lại về úp mặt vào sông quê, ơi con sông quê dạt dào như lòng mẹ, chở che con qua chớp bể mưa nguồn...
Quê hương! Hai tiếng thiêng liêng mà tha thiết ấy đủ sức gọi dậy trong mỗi chúng ta những tình cảm dấu yêu nhất. Cũng như đối với những người con xa quê khác, những người Xứ Nghệ xa quê dù ở đâu cũng biết tìm đến nhau, tìm đến để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, để nghe tiếng Nghệ trọ trẹ cho vơi bớt nỗi thiếu vắng quê hương. Hẳn trong mỗi chúng ta đều lưu giữ trong mình hình ảnh về một vùng quê đẹp nhưng thiên nhiên khắc nghiệt, nghèo khó và lam lũ, những con người một nắng hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Tuy vậy, Xứ Nghệ địa linh nhân kiệt, đã sinh ra những người con ưu tú cho đất nước từ Mai Thúc Loan, Bạch Liêu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu đến Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Phan Đình Giót, Đặng Thai Mai...
Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 đời Lý Thái Tông, niên hiệu Thiên Thành thứ 2, lúc đó gọi là trại Nghệ An, sau đó đổi thành châu Nghệ An rồi Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An, gọi tắt là xứ Nghệ.
Dù ở đâu, chúng ta đều là con của xứ Nghệ thân yêu - khúc ruột của miền trung gió Lào cát trắng, nơi mà xưa kia vua Quang Trung đã chọn để đóng đô theo lời khuyên của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Tiếc rằng vị vua tài danh ấy lại băng hà khi còn quá trẻ, nếu không Nghệ Tĩnh đã vinh dự sánh với Thăng Long hay Phú Xuân với một Phượng Hoàng Trung Đô trong thực tế.
Phát huy tinh thần của quê hương xứ Nghệ địa linh nhân kiệt, dù ở đâu cũng sống giản dị, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta có thể tự hào vì dù làm gì, ở đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào những người con xứ Nghệ cũng biết vươn lên để khẳng định chính mình. Thật khó có thể kể hết tên những người con xứ Nghệ thành danh trên tất cả các lĩnh vực trong thời hiện đại. Và hầu hết ở các tỉnh thành trên đất nước Việt Nam đều có người Nghệ sinh sống và lập nghiệp. Như bao người con xa quê khác, người Nghệ xa nhà luôn nhớ thương quê hương nhiều lắm. Có lúc chạnh nghĩ vì cuộc mưu sinh hay vì lí tưởng, khát vọng tuổi trẻ mà bao người đi xa? Chợt nhớ đến câu thơ:
Nửa đời bội ước quê hương
Nửa đời còn lại tha hương quê ngườimà thấy rưng rưng nước mắt.
Những người Nghệ tha hương ở đâu cũng xích lại gần nhau hơn theo năm tháng bởi lẽ họ có chung tâm tình của những người con xa quê. Ở xứ lạ, đôi khi chỉ cần được nghe giọng nói nằng nặng, trọ trẹ đã thấy ấm lòng. Hàng năm, những người Nghệ ở khắp các nơi lại có dịp gặp mặt tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Dẫu biết rằng, trên con đường mưu sinh, chúng ta mãi trôi theo những mục đích riêng nhưng nhưng ân tình sâu nặng của quê hương mãi mãi là tài sản tinh thần vô giá mà chúng ta cần có ý thức gìn giữ.
Điều giản dị song rất đỗi thiêng liêng mà những người con xứ Nghệ luôn nhắc nhở nhau là hãy phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương và hãy luôn dành cho quê hương một vị trí trang trọng trong tim mình bởi như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng nhắc nhở:
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét