Tấm gương về "khổ luyện thành tài nhờ tự học" của Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn
GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (Đô Lương, Nghệ An), người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Cảnh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từ trần, hưởng thọ 92 tuổi.
Ngày 9-2, Ông Nguyễn Cảnh Bình, thành viên Hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Cảnh, cho biết: GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Cảnh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từ trần ngày 8-2, hưởng thọ 92 tuổi.
GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn là nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Toán học và quản lý giáo dục ở Việt Nam.
Ông sinh ra tại Đô Lương (Nghệ An), một vùng đất giàu truyền thống hiếu học và cuộc đời ông cũng chính là tấm gương sáng về sự khổ luyện thành tài nhờ tự học.
Không chỉ được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn còn được thế giới biết đến như một danh nhân khoa học thế giới qua phát minh nổi tiếng của ông mang tên: "Hình học siêu phi Euclid". Năm 2004 và 2005, ông còn được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ cấp bằng Viện sỹ nổi tiếng, và có tên trong cuốn sách "những bộ óc vĩ đại của thế kỷ XXI".
GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên trái) đưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đức thăm trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1960.
Trong cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã từng viết 26 cuốn sách và hơn 650 bài báo về giáo dục. Ông còn làm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Toán học và Tuổi trẻ trong hơn 40 năm liên tục. Suốt một đời trăn trở và tận hiến cho giáo dục, ông chính là người đã đề xuất nhiều chủ trương lớn cho giáo dục Việt Nam như chủ trương đào tạo phó tiến sĩ và tiến sĩ ở trong nước, chủ trương mở lớp đào tạo từ xa để cán bộ, giáo viên có thể tự học tại nhà....
Năm 2014, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn và ba người em ruột của ông là GS.TSKH Nguyễn Cảnh Cầu, TS Nguyễn Cảnh Hồ và GS.TS Nguyễn Cảnh Cầm đã hiến tặng cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam hơn 4.000 tài liệu và hiện vật của gia đình Nguyễn Cảnh. Trong đó, bộ sưu tập của cá nhân GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn có hơn 2.800 tài liệu...
Nói về GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn, người thầy lớn của mình, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Với thế hệ chúng tôi, GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn chính là một tấm gương sáng về trí tuệ và nhân cách, là hình mẫu lý tưởng về sự khổ luyện thành tài nhờ tự học”.
PGS Văn Như Cương kể: “Năm 1951, thầy Toàn là giáo viên phổ thông đầu tiên được điều lên dạy đại học. Hồi ấy do chiến tranh nên trường đại học của Việt Nam gọi là Dục tài học hiệu phải đóng nhờ ở Nam Ninh (Trung Quốc). Dục tài học hiệu chỉ có hai khoa là Sư phạm cao cấp và Khoa học cơ bản. Cả trường chỉ có 9 giáo viên dạy 127 sinh viên. Năm 1954, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Dục tài học hiệu hoàn thành nhiệm vụ. Tại Thủ đô Hà Nội đã thành lập trường Đại học Sư phạm, thầy Toàn về nước giảng dạy và chúng tôi may mắn trở thành những lứa sinh viên đầu tiên được học thầy”.
Cũng theo chia sẻ của PGS Văn Như Cương, là người trưởng thành nhờ tự học, trong quá trình giảng dạy môn Toán, GS.TSKH Nguyễn Khánh Toàn luôn chú trọng nâng cao năng lực học sinh bằng cách tự học. Các bài giảng của GS Nguyễn Cảnh Toàn luôn sinh động, mang tính gợi mở theo hướng nâng cao năng lực cũng như sự sáng tạo của học sinh, hoàn toàn khác với cách học nhồi nhét, có phần thụ động theo kiểu “thầy đọc, trò chép” như hiện nay.
Còn trong đời sống hàng ngày, ông cũng là một tấm gương về sự nhân cách sống bình dị, tận tâm, hết lòng với học sinh và rất chu đáo với đồng nghiệp. Khi tham gia làm cán bộ quản lý giáo dục, GS.TSKH Nguyễn Khánh Toàn rất quan tâm, chú trọng đến phát triển giáo dục từ xa đối với bậc THPT.
Ông cũng là người đi tiên phong trong việc đề ra chủ trương đào tạo tiến sỹ trong nước. Chủ trương này của ông sau đó đã trở thành hiện thực, Nhà nước cho phép mở đào tạo nghiên cứu sinh vào năm 1976 và đến nay đã trở thành một chiến lược giáo dục lớn. Và khi nghỉ hưu, tuy tuổi đã cao nhưng GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn vẫn dành nhiều tâm huyết cho ngành giáo dục.
Ông luôn tâm niệm: “Phải làm sao tuyên truyền quảng bá mạnh cho sự tự học. Lâu nay chúng ta mất sự tự học, do việc dạy thêm học thêm tràn lan xói mòn nội lực tự mày mò nghiên cứu. Học trò bây giờ thụ động quá, đi học chỉ nhăm nhăm những nội dung thi cử, cái khác thì bỏ qua. Cứ thế này thì nguy lắm, nước nhà sẽ chẳng bao giờ có đội ngũ khoa học sánh tầm với nước ngoài được”.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét