Sau gần 4 tháng xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia trở về, chị Nguyễn Thị Thanh, ở xóm 4, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Thế nhưng, chị vẫn nhận mình là người may mắn khi sớm thoát khỏi "địa ngục trần gian" trở về đoàn tụ với gia đình. Bởi, theo chị Thanh, vẫn còn rất nhiều lao động khác đang phải sống lay lắt, khổ nhục nơi xứ người.
Chị Nguyễn Thị Thanh thất thần kể lại câu chuyện ở xứ người. |
Được sự động viên của chồng, chị Thanh có thêm can đảm để kể về chuyến lao động của mình ở xứ người. Theo đó, vào tháng 12-2016, chị Thanh được một người đàn ông tên Hưng (cùng quê) giới thiệu đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia. Theo hướng dẫn của Hưng, chị đến Văn phòng đại diện Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại Nghệ An (địa chỉ số 18, Nguyễn Thị Định, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) để làm thủ tục.
Ngày 7-12-2016, chị Thanh đã ký hợp đồng lao động số 932/NV-AR với Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt về việc đi xuất khẩu lao động. Sau 20 ngày, kể từ thời điểm ký hợp đồng, chị Thanh đã xuất cảnh sang Saudi Arabia giúp việc gia đình. Kể từ khi đặt chân đến xứ người, chị Thanh phải trải qua những ngày tháng tủi nhục, bị vắt kiệt sức lao động từ sáng sớm đến khuya.
Chị Thanh cho biết: "Sang tới nơi, tôi được một người nhận về nhà để làm việc giúp gia đình và chăm sóc một người già. 3 ngày đầu tiên, họ không cho tôi ăn cơm, một ngày chỉ được hai chiếc bánh mì, đói quá nên phải nhặt "cơm thừa canh cặn" rửa lại rồi bỏ vào tủ lạnh để ăn. Họ cũng không cho tắm rửa, liên tục chửi bới. Một ngày làm việc quần quật từ 14-16 giờ đồng hồ, 2-3 giờ sáng mới được ngủ... Có nhiều chị em sang đã 2 tháng, thậm chí 9 tháng nhưng chưa được gọi một cuộc điện thoại về cho gia đình ở Việt Nam. Ngoài việc phải lao động cực khổ, bị bỏ đói, đánh đập, nhiều lao động nữ trẻ, đẹp còn bị "sàm sỡ", nếu không chiều ý gia chủ sẽ bị nhốt vào phòng kín và không cho ăn cơm".
Không thể chịu đựng nổi, chị Thanh và một số người khác đã phản ánh với người môi giới của Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt đóng tại Saudi Arabia, nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ. Rồi may mắn, chị Thanh cũng liên lạc được với chồng ở quê nhà. Anh Nguyễn Văn Ngôn, chồng chị Thanh, cho biết: "Có lần, vợ tôi gọi về chỉ nói ngắn gọn rằng đến Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại Nghệ An đóng tiền để vợ tôi được về nước. Xót xa quá, tôi phải chạy vạy khắp nơi vay 33 triệu đồng đóng cho công ty".
Đưa câu chuyện của gia đình anh Ngôn phản ánh, chúng tôi tìm đến Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt để làm rõ sự việc. Tại đây, bà Phạm Thị Phương Thanh, Phó Trưởng đại diện Văn phòng thừa nhận: "Đúng là công ty có ký hợp đồng đưa chị Nguyễn Thị Thanh đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia và việc chị ấy đòi về nước là có cơ sở. Tuy nhiên, không có chuyện chị ấy bị đánh đập, bạc đãi ở xứ người mà lý do về chỉ là nhớ gia đình. Còn chuyện anh Ngôn đóng 33 triệu đồng là khoản hoàn phí cho công ty, bao gồm các chi phí như đào tạo, khám sức khỏe, làm visa, vé máy bay đi và về cho lao động".
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi tiếp tục liên lạc được với chị Nguyễn Thị Sáng, 46 tuổi, trú tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia qua Văn phòng đại diện Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại Nghệ An. Chị Sáng có thời gian ở chung với chị Nguyễn Thị Thanh. Trước sức ép của gia đình, ngày 24-3, chị may mắn được công ty đưa về nước.
Chị Sáng cho biết, khoảng tháng 1-2017, trong lúc buồn chuyện gia đình, chị Sáng đi lang thang và gặp một người phụ nữ tên Khuyên, trú tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Người này an ủi và giới thiệu chị Sáng đi giúp việc nhà ở Saudi Arabia với mức lương 9 đến 10 triệu đồng/tháng và không tốn phí xuất khẩu lao động. Trong lúc hoàn cảnh khó khăn, lại đang cần tiền trang trải cuộc sống, chị Sáng đồng ý ngay.
Sau đó, chị cùng người phụ nữ này bắt xe khách ra Hà Tĩnh để gặp một người tên Luận và người này lại tiếp tục đưa chị đến Văn phòng đại diện của Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt tại Nghệ An để ký hợp đồng. Tại đây, trong khoảng 15 ngày, chị Sáng cùng nhiều người khác từ các tỉnh Thanh Hóa, Bình Thuận... được học được một số câu giao tiếp bằng tiếng Saudi Arabia. Sau đó, đại diện công ty đưa chị Sáng 20 triệu đồng để lo giấy tờ và mua sắm cá nhân. Cuối tháng 1-2017, chị Sáng cùng hàng chục người khác được đưa ra Hà Nội để bay sang Saudi Arabia.
Chị Nguyễn Thị Sáng trao đổi với phóng viên về những ngày tủi nhục ở Saudi Arabia. |
Tuy nhiên, chị Sáng chỉ đưa một nửa số tiền, số tiền còn lại chị kịp cất giấu trong người. Hằng ngày, chị bị chủ đánh thức từ 5 giờ sáng và phải làm việc quần quật mỗi ngày 16 giờ đồng hồ. Chủ nhà bắt chị nằm ngủ dưới sàn cạnh khu vệ sinh và ăn thức ăn thừa của gia đình họ. Làm việc ở đây được 7 ngày, chị xin được gọi điện thoại về nhà thì chủ nhà không cho. Do làm việc quá sức, lại nhiều lần bị đánh đập, chị Sáng liên tục bị nôn ra máu. Chủ nhà cho rằng, chị mắc bệnh cao huyết áp, bệnh lao phổi nên nhốt chị trong một phòng riêng. Sau đó, họ đồng ý trả chị lại nơi tập trung của công ty môi giới Việt Nam. "Chủ nhà cho biết, họ đã mua tôi với số tiền tương đương hơn 200 triệu đồng Việt Nam, từ một công ty môi giới việc làm nên sẽ không trả tiền lương và không mua vé máy bay, nếu tôi muốn về Việt Nam" - Chị Sáng nói.
Trở lại nơi tập trung, chị Sáng bị nhốt chung cùng nhiều người khác, trong đó có chị Nguyễn Thị Thanh. Nhờ khoản tiền cất giấu được trong người, chị Sáng đã lén nhờ một tài xế taxi tốt bụng người bản xứ mua giúp điện thoại và sim để gọi điện về cho con gái cầu cứu. Trao đổi với chúng tôi, con gái chị Sáng là Ngô Thị Ngọc Dung cho biết: "Sau khi nhận được điện thoại kêu cứu của mẹ, tôi đã gọi cho Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt để yêu cầu đưa mẹ tôi về. Phía công ty yêu cầu gia đình phải nộp 60 triệu đồng để đền hợp đồng thì mới mua vé máy bay cho mẹ tôi về. Tôi nói sẽ tố cáo vụ việc lên cơ quan chức năng. Nghe vậy, họ đồng ý cho mẹ tôi về, nhưng yêu cầu phải rút đơn".
Về phần chị Sáng, trước khi về nước, đại diện công ty môi giới ở Saudi Arabia yêu cầu chị phải xác nhận là không bị đánh đập, bạc đãi mới đồng ý cho về. Quá sợ hãi, chị Sáng đã làm theo tất cả yêu cầu của công ty môi giới. Tâm sự với chúng tôi, chị Sáng ứa nước mắt nói: "Về tới nhà, tôi có cảm giác như vừa chết đi được sống lại vậy. Hiện, vẫn còn nhiều chị em đang bị giam giữ sống lay lắt, cực khổ ở Saudi Arabia chưa được trở về. Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộc để sớm giải cứu họ".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét