CÂU CHUYỆN 1 NGƯỜI VỢ

Bảy năm rồi, tôi vẫn nhớ rõ gương mặt hớn hở của người chồng, như trẻ con được quà, hôm anh vào viện đón hai mẹ con về nhà. Bó hoa tươi thắm chuyển vào tay tôi: “Cám ơn em đã sinh cho anh đứa con xinh xắn!” Ngày bụng tôi kềnh càng, tuần nào anh cũng mua cua, kỳ cạnh về giã để “em ăn cho con cứng xương”... Bao năm qua, anh vẫn nói lời cảm ơn vợ khi nhờ tôi đón con hoặc mua thứ này, thứ khác... Còn tôi quá kiệm lời cảm ơn với chồng.

Chẳng phải tôi không cảm động trước những việc anh đã làm cho tôi, cho gia đình. Chỉ là thấy quá quen nhau rồi nên đâu cần phải cảm ơn. Thậm chí tôi còn nghĩ lời cảm ơn có vẻ khách sáo xa cách lắm... Bạn tôi cũng bảo: nhiều lúc nói lời cảm ơn trực tiếp với vợ khi vợ tặng quà, chăm sóc, nhưng sao thấy khó thế.

Đành phải dùng điện thoại nhắn tin cảm ơn vợ.

“Tớ nghĩ người lạ mới cần cảm ơn. Người trong nhà với nhau đâu cần cầu kỳ thế. Đến bố mẹ tớ còn chẳng cảm ơn bao giờ mà”.

Tôi còn nhớ ngày 8-3 năm nào, chồng hớt hải chạy về cho kịp giờ cơm, bó hoa trên tay xơ xác tặng hai mẹ con ngày lễ. Anh thanh minh:

“Xếp hàng mãi mới mua được hoa. Mà ngày hôm nay đông thật đấy!”. Tôi chỉ cằn nhằn: “Về thì muộn, mua hoa làm gì cho đắt...” Rồi một 8- 3 năm khác, chồng tặng tôi phong bì, trong là hóa đơn điện thoại đã được thanh toán có dòng chữ nắn nót: “Tặng em, chúc em luôn vui vẻ và mặt không được ủ rũ”. Tôi phì cười nói: “Hâm quá, ngày này tặng hoa quà chứ ai tặng thứ này!” Có lần về quê, tôi chợt giật mình khi nghe mẹ chồng nhẹ nhàng cảm ơn bố chồng với việc giúp đỡ rất nhỏ. Thấy mẹ chồng giật sợi dây lạt từ xe đạp không nổi, bố chồng liền cầm ra cái dao, bảo: “Bà cầm dao mà cắt giật thế bao giờ ra”.
“Vâng, tôi cảm ơn ông”. Chính điều này làm tôi giật mình. Một người văn hóa đại học, sống ở thành phố lớn như tôi mà không cảm ơn chồng vì những việc vặt như thế bao giờ.

Hằng ngày, tôi vẫn dạy con phải biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, mà bản thân lại quên xử dụng chúng với chính chồng mình. Tôi thường bắt con cảm ơn khi tôi lấy hộ quyển truyện, đồ chơi, và con tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Vậy mà những lời cảm ơn chồng trong hàng ngàn việc anh giúp mình, tôi lại chẳng thốt ra được! Lục vấn lại, thấy văn hóa cảm ơn của tôi vẫn có và vẫn thể hiện hằng ngày, nhưng là với...người dưng! Đi chợ người ta cho thêm cọng hành nấu canh, buột miệng cảm ơn ngay. Hay chủ quán nước lấy hộ cái ghế ân cần, cảm ơn rất nhanh và thoải mái. Người đi đường nhắc cái chân chống xe chưa gạt, cũng với theo cảm ơn.

Sao những lời cảm ơn như thế lại nói dễ vậy? Có phải là do suy nghĩ đối với người lạ dễ cảm ơn hơn và cần phải thể hiện văn hóa hơn? Còn với người thân, với vợ, với chồng, quá văn hóa thì không... gần gũi? Lời cảm ơn sao khó nói với người mình thương yêu thế, nhưng lời cắn đắng thì lại quá dồi dào! Những lần chồng về muộn, những buổi lỡ hẹn làm tôi phải chở con đi chơi một mình, chuyện quần áo bừa bãi, chuyện bóng đèn chưa thay...

Ngày tôi 20 tuổi, bà ngoại bảo vợ chồng là phải “tương kính như tân” - lúc nào cũng kính trọng nhau như những ngày đầu thì cuộc sống mới lâu bền, dễ chịu. Ngày đó tôi đã phì cười cho là bà cổ lỗ... Nhưng nhìn cảnh mẹ chồng tôi mới hiểu: lời cảm ơn đâu chỉ tỏ lòng biết ơn, mà còn là bày tỏ tình yêu dành cho nhau.

Đừng đổ lỗi cho cuộc sống hối hả khi ta quên cảm ơn chồng, vợ. Đừng quên cảm ơn người thân khi vẫn còn cơ hội. Bạn kể tôi nghe một kỷ niệm ân hận, day dứt tận bây giờ. Trời hôm đó mưa to lắm, sáng bạn quên không mang áo mưa.

Vợ bạn đi xe ôm tới, đem cho bạn áo mưa vì sợ chiều về chồng bị ướt. Bạn cằn nhằn: “Mưa thế đến làm gì cho ướt hết người. Khổ quá, sao mà lẩn thẩn thế!”. Rồi ngày vợ bạn mất vì bệnh ung thư, bạn thì thầm bên vợ đâu còn nghe thấy! Vợ, chồng làm việc tốt cho nhau vì tình yêu thương, chẳng hề mong nhận lại lời cảm ơn.

Cảm ơn vợ chồng chẳng bao giờ là lời khách sáo. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng người bạn đời của mình. Khi cuộc sống gia đình thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, sự bền vững chỉ còn đếm bằng giờ.

Biết cảm ơn bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn cả vàng bạc...
Vân Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top